Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Lý âm dương quả là chân lý

1. Lý Đồng Nhi Dị – Lý Âm Dương là gì?

Nói về Lý Dịch thì Tiền Nhân (các thế hệ trước) đã đúc kết ngắn gọn trong một câu nói:

“Dịch, biến dịch; Biến dịch, bất dịch”.

Có nghĩa là: Dịch là sự dịch chuyển, biến đổi, nhưng chính sự dịch chuyển, biến đổi này thì không biến đổi nữa, vì bản thân nó là biến dịch rồi nên nó không thay đổi gì nữa, gọi là bất biến, bất dịch vậy.

Nói cách khác: Cái gì tồn tại mãi mãi, nghĩa là bất biến với mọi thời gian và không gian?

- Đáp: Đó là cái lý biến dịch, biến đổi.

Nên cái bất biến lại là Biến; Cái bất dịch lại là dịch vậy.

Vậy chính sự “Tuyệt đối lại là tương đối – Tương đối là tuyệt đối”.

Bởi lý thay đổi mới làm cho mọi sự trở nên:

Từ Giống mà hơi hơi Khác – hoặc Khác mà hơi hơi giống.

Hoặc Giống mà hơi khác – Khác mà hơi giống.

Hoặc Giống mà khác – Khác mà giống.

Hoặc Giống mà quá khác – Khác mà quá giống.

Hoặc Giống mà quá quá khác – Khác mà quá quá giống.

Và đặc biệt là không có trường hợp Giống hoàn toàn giống – hoặc khác hoàn toàn khác.

Có thể nói: Trong cái giống có cái khác hoặc trong cái khác có cái giống, cũng như trong đại đồng có tiểu dị – trong đại dị có tiểu đồng…

Để diễn tả cho hai mặt Giống và Khác nhau đó, Tiền Nhân mới mượn hai danh từ chung là Âm và Dương mà định danh cho cái lý Đồng Nhi Dị gọi là lý Âm Dương. Ta có thể hiểu Âm là giống và Dương là khác, hoặc Âm là Khác và Dương là giống cũng được.

Ví dụ: Hình ảnh bé và trái lê,cây lê, hàng rào.


Với góc nhìn của lý Âm Dương thì mọi thứ đều có các mặt giống và khác nhau, mọi thứ đều có các mặt âm dương với nhau.

- Phân tích mặt giống (dương) nhau giữa Bé và trái Lê thì có các điểm giống nhau như:

Bé:

- Có thể tích.

- Có trọng lượng.

- Làm lợi (cho trái Lê).

- Có thời gian tồn tại trên mặt đất.

- Có tên …

Trái Lê:

- Có thể tích.

- Có trọng lượng.

- Làm lợi (cho Bé).

- Có thời gian tồn tại trên mặt đất.

- Có tên…

- Phân tích mặt khác (âm) nhau giữa Bé và trái Lê (trong hình bên) thì các điểm khác nhau như:

Bé:
- Thể tích lớn hơn.

- Trọng lượng lớn hơn.

- Làm lợi cho trái Lê một cách gián tiếp (như trồng, tưới nước vun bón cây Lê cho có trái).

- Có thời gian tồn tại trên mặt đất khác Lê.

- Tên của Bé khác Lê…

Trái Lê:

- Thể tích nhỏ hơn.

- Trọng lượng nhỏ hơn.

- Làm lợi cho Bé một cách trực tiếp (như hy sinh bản thân cho bé ăn).

- Có thời gian tồn tại trên mặt đất khác Bé.

- Tên của Lê khác Bé…

Vậy nếu chúng ta phân tích tiếp thì giữa Bé và trái Lê thì có muôn vàn điểm âm dương với nhau, nên chúng ta nói chung và ngắn gọn nhất là Bé và trái Lê là âm dương với nhau vậy.

Từ góc độ phân tích theo âm dương lý như trên thì mọi thứ đều là âm dương với nhau hết. Cũng như mọi thứ đều chịu và phải đi trong cái lý Biến hóa âm dương, để đồng dị là giống và khác nhau.

Nói cách khác là mọi thứ đều phải đi trong cái lý Biến Hóa Đồng Nhi Dị – cũng như mọi thứ đều biết Thay Đổi Giống mà Khác nhau vậy.

Giống là biết Thay Đổi

Khác là sự thay đổi mỗi thứ khác nhau.

Vậy:

Lý Đồng Nhi Dị là Lý Âm Dương là Lý Giống Mà Khác.

Bởi lý Đồng Nhi Dị nên mỗi thứ đều biết Biến Hóa. Nhưng Biến Hóa cũng phải  Đồng Nhi Dị là Biến hóa có giống và khác nhau. Giống nhau là biết Biến Hóa. Khác nhau là mỗi thứ Biến Hóa theo cách khác của mình.

Có thể nói vắn tắt là:

Lý Âm Dương là Lý Biến Hóa Đồng Dị – hay Lý Đồng Dị Biến Hóa.

Thế nào là “Trong âm có dương – trong dương có âm”

Trong âm có dương và trong dương có âm tức là trong giống có khác và trong khác có giống vậy.

Ở thí dụ trên thì ta thấy “Trong dương có âm, tức là trong giống có khác” như:

Giữa Bé và trái Lê thì: Trong điểm giống là đều “làm lợi cho nhau” nhưng  lại có điểm khác là cách làm lợi.

Thế nào là “Âm nào Dương nấy – Dương nào Âm nấy”

Khi nói âm nào dương nấy là hai mặt âm dương trong một phạm vi.

Thí dụ như trong hình dưới đây thì có hai cái bình trà lớn và nhỏ.


Nếu nói trong phạm vi cái bình trà nhỏ thì gồm có 2 phần âm dương giống và khác nhau, đó là phần bình nhỏ và nắp bình nhỏ.

- Trong phạm vi bình trà lớn thì cũng có hai phần âm dương đó là bình lớn và nắp bình lớn.

Vậy Bình nhỏ, Nắp bình nhỏ và Bình lớn, Nắp bình lớn gọi là âm nào dương nấy

Như trong ca dao tục ngữ VN chúng ta có câu:

- “Cha nào con nấy” – “Nồi nào vung đó” – “Rau nào sâu nấy” – “Chồng nào vợ nấy”…

Hỏi trong chữ Lý có âm dương không?

Đáp: Lý cũng có âm dương nên gọi là âm dương lý, tức là Hữu lý và Vô lý. Giống nhau đều là Lý, nhưng khác nhau là Hữu và Vô. Hữu lý có phạm vi của hữu lý. Vô lý có phạm vi của vô lý. Nếu nói phạm vi tổng thể bao quát thì mọi vấn đề đều có âm dương lý và tùy theo phạm vi mà phân biệt âm lý hay dương lý.

Tóm lại:

Lý Đồng nhi Dị, lý Âm Dương đều có ở mọi thời gian và không gian, có ở hữu hình lẫn ở vô hình nên lý âm dương xứng đáng là Chân Lý.

Chân lý là phải đúng ở mọi thời gian và mọi không gian. Lý âm dương có ở mọi thời gian và không gian nên Lý âm dương quả là Chân Lý.

Thanh Từ – Dịch Học Sĩ – Trần Quốc Thái

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

SỐ MỆNH LÀ GÌ ?

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường nhắc đến danh từ Số mệnh hay Số mạng còn gọi là Định mệnh, Thiên định, Trời định. Có một số người chấp nhận và một số người không chấp nhận là có Số mệnh. Vì thế ta nên có cách nghĩ như thế nào về Số Mệnh cho đúng tinh thần triết học của Lý Dịch.

Theo bạn chúng ta có thể tranh được số không mong muốn không?

☯ Vậy Số Mệnh là gì ?

Định nghĩa :

Số trong phạm vi này có nghĩa là:

Một sự xác định trạng thái, hoàn cảnh nào đó trong một giai đoạn diễn biến của thời gian và không gian.

Mệnh (mạng) trong phạm vi này có 2 nghĩa là:

- Thứ nhất là chuỗi nối dài.

- Thứ hai là bản thân của con người được đề cập tới.

Số Mệnh: Là sự xác định trạng thái hoàn cảnh trong một giai đoạn diễn ra ở thời điểm nào đó của bản thân con người được đề cập tới.

Thí dụ:

- Lúc mới sinh ra ta được xác định là nam hay là nữ, ở châu Á hay châu Âu, con nhà giàu hay nghèo, thân xác khỏe mạnh hay bịnh tật, thông minh hay ngớ ngẩn?…………..

- Lúc trung niên ta được làm vai gì trong xã hội như: chủ, tớ, giàu nghèo, hạnh phúc đau khổ…….

Mà cuộc đời con người chúng ta là một chuỗi nối dài của nhiều giai đoạn được xác định như trên, nên một con người có rất nhiều số, gọi là vô số Số.

Thí dụ: Ai cũng phải có giai đoạn(số) làm người, làm con, làm chủ, làm tớ, làm người dân, làm người có tiền, làm người không có tiền, làm chủ nợ, làm con nợ, làm người đi xin, làm người bố thí, làm ác làm thiện……….

Lưu ý: làm chủ một công ty, hay làm chủ bản thân cũng là chủ, làm tớ cho một người hay làm tớ đồng tiền cũng là tớ………



☯ Lưu ý : Số Mệnh được hình thành từ hai yếu tố:


- Yếu tố khách quan: bị động, còn gọi là ngẫu nhiên.

- Yếu tố chủ quan: chủ động, còn gọi là tất nhiên, tất định.

☯ Định nghĩa cách khác về Số Mệnh: Số mệnh là một sự xác định giai đoạn diễn biến dài hoặc ngắn được tạo thành từ các yếu tố ngẫu nhiên và tất định.

Phân tích sự ảnh hưởng hòa trộn lẫn nhau của Ngẫu nhiên và Tất định.

*Yếu tố khách quan, bị động, ngẫu nhiên,được chia thành hai phần: âm và dương:

+ Sự lý của yếu tố này xảy ra vừa ý con người thì gọi là:

khách quan dương: – May mắn, hên, có thời vận tốt …

+ Sự lý của yếu tố này xảy ra ngược lại ý người thì gọi là:

khách quan âm: – Xui xẻo, xấu số, vận đen …

* Yếu tố chủ quan, chủ động, tất nhiên, được chia thành hai phần: âm và dương:

+ Tư tưởng và hành động của yếu tố này mang tính chất tích cực, vươn lên, phấn đấu, tinh tiến , thì gọi là :

chủ quan dương: – Lạc quan, yêu đời, có chí vươn lên …

+ Tư tưởng và hành động của yếu tố này mang tính chất tiêu cực, an phận, chấp nhận, thiếu nghị lực… thì gọi là:

chủ quan âm: – Bi quan, chán đời, thiếu ý chí…

Bốn trường hợp trên luôn luôn sinh phù hoặc khắc hại lẫn nhau và cùng hiện hữu chi phối trong mọi Số mệnh của con người theo tỷ lệ ít nhiều, biến thiên ẩn hiện, trước sau, căn nguyên lẫn nhau:

Thí dụ:

1/ Yếu tố khách quan dương hiện rõ, các yếu tố kia ẩn mờ:

- Được sinh ra với thân thể khỏe mạnh, thông minh, đẹp đẽ, gặp may mắn, thời vận tốt …

2/ Yếu tố khách quan âm hiện rõ, các yếu tố kia ẩn mờ:

- Được sinh ra với thân thể thiếu lành mạnh, ngu đần, khiếm khuyết, bịnh tật, gặp xui xẻo, thời vận xấu …

3/ Yếu tố chủ quan dương hiện rõ, các yếu tố kia ẩn mờ:

- Người có ý chí tự chủ, tự thân vươn lên học hỏi và thành đạt …

- Có công mài sắt có ngày nên kim.

4/ Yếu tố chủ quan âm hiện rõ, các yếu tố kia ẩn mờ :

- Người tự chủ lười biếng, nhút nhát, an phận thủ thường, không cầu tiến, không học hỏi …

5/ Yếu tố khách quan và chủ quan là căn nguyên lẫn nhau :

- Gieo gió gặp bảo.

- Ở hiền thì gặp lành.

- Ở hiền gặp ác.

- Cha ăn mặn con khát nước.

- Cờ tới tay ai người nấy phất.

- Thời thế tạo anh hùng.

- Anh hùng tạo thời thế

☯ Nhà Phật gọi là Luật Nhân Quả

6/ Yếu tố chủ quan dương và khách quan âm thiên thắng lẫn nhau :


- “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

7/ Yếu tố khách quan âm và dương thiên thắng lẫn nhau :

-“Tàn nhưng không phế”.

8/ Yếu tố khách quan dương và chủ quan âm thiên thắng lẫn nhau :

- Sung sướng quá sinh tệ.

- Cha làm thầy, con đốt sách.

9/ Yếu tố khách quan dương và chủ quan dương sinh phù lẫn nhau :

- Có cả Thiên cơ, thời cơ, nhân cơ nên mọi sự đều thành công.

Trên đây chỉ là vài trường hợp thí dụ đơn cử. Sự thật thì một cuộc đời con người có rất nhiều số như số làm con, làm cha, làm mẹ, anh, em, thầy, trò, thợ, chủ, nghèo, giàu, khá giả, bần hàn khố rách, quân tử, tiểu nhân, vua chúa, quan quyền, ăn mày, bố thí v.v …

☯ Vậy con người có biết được Số mệnh không ?


Ai trong chúng ta cũng đều biết Số mệnh cả (ở phần chủ động), nhưng để biết rốt ráo về Số Mệnh thì có rất nhiều khoa môn học thuật như: Kinh Dịch, Tướng Học, Tử Vi, Chỉ Tay, Phong Thủy, Chiêu Tinh, Bói bài, Triết Học…….. Sự thì muôn trùng trời biển, quy về chỉ có một Lý Biến Hóa Đồng Dị là cùng là hết.

Biến hóa có hai loại : Biến hóa đồng (giống, chung) và biến hóa dị (khác, riêng).

- Biến hóa đồng là : Muôn sự đều chung một lý biến hóa là thay đổi.

- Biến hóa dị là : Mỗi sự đều có riêng một lý biến hóa là thay đổi riêng theo kiểu của nó.

Thí dụ : – Cao su có sự biến hóa của cao su.

- Sắt có sự biến hóa của sắt.

Nên nói rằng : Sự nào thì có lý biến hóa đó, lý biến hóa nào thì có sự đó cũng như sự nào thì lý đó, lý nào thì sự đó, hoặc “lý nào thì tượng đó, tượng nào thì lý đó”.

Từ đó các môn học thuật của con người, khi nghiên cứu và biết cái lý của mỗi sự và dùng lý mà luận về sự nên đều biết được Số mệnh cả.

Trong mỗi cái biết về Số mệnh nào cũng đều có giống và khác nhau cả, thí dụ như : có lúc biết chi tiết, có lúc biết bao quát, lúc biết nhiều, lúc biết ít và có lúc biết không biết …

☯ Người biết Số mệnh có can thiệp được phần nào vào Số mệnh không ?

Vì Số mệnh là có cả khách quan và chủ quan chi phối lẫn nhau nên người biết Số thường nương theo yếu tố khách quan mà hành động nên nói rằng :

“Thuận thiên hành đạo” là vậy?.

Thuận Thiên là chiều theo tính lý biến hóa đồng dị gọi là Lý Dịch vốn là một yếu tố khách quan lớn nhất chi phối muôn loài vạn vật, vì mọi thứ đều phải bị Biến Hóa Thay Đổi Đổi Thay theo Lý Dịch. (Thiên là thiên biến, thay đổi)

Hành Đạo là ta chủ động hành xử để đi trên đại lộ thênh thang của Tạo Hóa, vốn có nhiều hướng để chúng ta lựa chọn và chủ động can thiệp ít nhiều đến Số Mệnh.

Vậy người biết Số có thể chủ động can thiệp gia giảm vào hoàn cảnh xấu tốt của Số mệnh, nhưng chỉ ở mức giới hạn nào đó của yếu tố khách quan mà thôi.

“ Mọi ngẫu nhiên nào cũng có giải pháp của tất định.

Mọi hành động nào của tất định cũng có phần ảnh hưởng của ngẫu nhiên”.

Nên có người nói: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”

- “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”

- “Tiểu phú do nhân mà đại phú do thiên”

☯ Chúng ta nên có nhận thức về Số Mệnh như thế nào? Để gọi là Giác ngộ – Giải thoát

Với hai yếu tố Ngẫu nhiên và Tất định là nền tảng cấu tạo nên hai chữ Số Mệnh như đã phân tích ở trên, thì bất cứ ai trong chúng ta đều không thể phủ nhận được là có Số Mệnh, tuy nhiên trong mỗi chúng ta có khác nhau về sự “nhận thức” về Số Mệnh.

- “Nhận thức” là chấp nhận(nhận) khi ta có sự hiểu biết (thức) rõ, lúc ấy ta hành động sẽ vững tâm và tự tin hơn, nên gọi là “Tri thiên mệnh rồi mới tận nhân lực: Biết số mệnh rồi mới ra hết sức người mà hành động”

- Ngược lại người không cần biết trước Số mệnh của mình như thế nào? Thậm chí không tin có số mệnh, cứ ra hết sức mình để làm đến cuối cùng thì mới biết kết quả thành hay bại lúc đó mới biết là Số mệnh của mình là như thế. Khi đó nếu thành công thì không nói làm gì, nếu thất bại thì đã tốn nhiều công sức và quá nhiều thời gian, gọi là “Tận nhân lực rồi mới tri thiên mệnh”

Với sự nhận thức “Tri thiên mệnh rồi mới tận nhân lực” cũng đồng nghĩa với sự Ý Thức được Số Mệnh là sự hiểu biết về Số Mệnh thì ta có một tầm nhìn, một quan điểm, một sự giác ngộ của Trí Tuệ trong đời sống hiện tại và tương lai, ta thật tự tin và giải thoát khi đối diện với thành công cũng như thất bại. Sống bình an, tự tại trước những biến động của cuộc đời.

Các bậc Siêu Nhân đều biết rất rõ Số Mệnh của chính bản thân mình và việc làm của họ sẽ đi về đâu, cũng như biết sứ mệnh của họ làm gì, và sau này đi về đâu. Tôi muốn nhắc đến những tấm gương của các bậc Siêu Nhân đó, để mong rằng trong mỗi chúng ta nên tìm hiểu môn khoa học nào để học hỏi để biết và nhận thức đúng về Số Mệnh không phải là mê tín (u mê, không hiểu biết mà tin theo) cũng như khi hiểu đúng về Số Mệnh thì ta có sự tự tin trong cuộc sống, cũng như biết mình phải làm gì?, đừng quá tham vọng mà trở thành thất vọng, đừng quá tự ti mà bi quan, đừng quá lạc quan thành chủ quan, mà phải hiểu biết để sống với tinh thần giải thoát trước mọi biến động vinh nhục của cuộc đời, đó mới là tư tưởng thượng đẳng của loài người.

Viết xong vào giờ Tiệm – Quan

THANH TỪ – DỊCH HỌC SĨ - Trần Quốc Thái